ĐẤU TRANH CHỐNG BIỂU HIỆN” TỰ DIỄN BIẾN, TỰ CHUYỂN HOÁ”:
BỆNH UNG THƯ TÂM HỒN
Mạng xã hội đã và đang khẳng định vị thế quyền lực của mình trong dẫn dắt tư tưởng, tạo bão dư luận, điều tiết hành vi sống của con người. Sự thật không thể bác bỏ là hàng giờ, hàng ngày mạng xã hội cung cấp một lượng khổng lồ thông tin phong phú, đa chiều và có tác dụng rất lớn trong việc cập nhật những tin tức và tình hình thời sự nóng bỏng nhất đang diễn ra, nhưng chính nó cũng đang phát bệnh.
Khác với các phương tiện thông tin đại chúng mang tính truyền thống (báo chí, truyền hình, phát thanh, cổ động) của một lực lượng giới hạn phóng viên, tuyên truyền viên, mạng xã hội biến hàng chục triệu người online thành "tác giả" thông tin chỉ bằng với một câu hỏi "Bạn nghĩ gì?". Ít nhiều, trong phạm vi nhóm hay toàn xã hội sự ảnh hưởng, lây lan là mặc nhiên (kể cả cái tốt và cái xấu).
Mấy năm lăn lộn, ngụp lặn trong mạng ấy bỗng một ngày chợt nhận ra qua phân tích và tổng hợp những nội dung đăng tải trên mạng xã hội thì nổi lên là 4 nhóm "tác giả" có tính đại diện:
- Nhóm thứ nhất: Luôn tìm những ưu điểm, những tích cực của đất nước và chế độ để biểu dương và ca ngợi.
- Nhóm thứ hai: Luôn phản ánh hiện thực khách quan những vấn đề về xã hội nhưng lại mang tính đóng góp và xây dựng cho chế độ và đất nước bằng phản biện.
- Nhóm thứ ba: Luôn tìm những tiêu cực, những yếu kém của chế độ để chì trích, miệt thị và chống phá.
- Nhóm thứ tư: Chỉ chú mục quảng bá hình ảnh cá nhân, vui chơi giải trí còn đối với đất nước, chế độ và cộng đồng xã hội thì dù thấy đúng cũng không ủng hộ, thấy sai cũng không phản đối.
Nếu đứng ở bình diện "yêu nước" theo lời Bác Hồ dạy (mà hôm nay đang kỉ niệm lần thứ 70 Bác ra lời kêu gọi THI ĐUA YÊU NƯỚC) mà nhận diện thì thấy rằng, 4 hạng người nói trên đều có ưu, khuyết cần bàn.
Một đất nước hay một chế độ chính trị muốn tồn tại và phát triển thì rất cần đến những "tác giả" ở nhóm một và nhóm hai. Ở họ, ít nhiều đều có cái tâm với dân tộc, mong muốn cái tốt, cái đúng được khẳng định, phát triển, mong muốn gạn đục, khơi trong cho dòng chảy dân tộc.
Dẫu đôi khi vì hăng hái thái quá mà ca ngợi một chiều, lạc quan tếu thì đấy cũng là hành động "đáng yêu". Đồng thời, rất đáng trân quý những lời nói can gián, những phân tích có tính phản biện nhằm mục đích xây dựng.
Nhóm ba thể hiện rất rõ về quan điểm bất đồng chính kiến đối với chế độ. Họ luôn trong tâm thế phủ bóng đen lên xã hội, phủ định sạch trơn, tạo tâm lý bất tính, thù ghét nhằm gây biến động xã hội, lật đổ chế độ. Họ có thể bị trừng trị vì những việc làm vi phạm pháp luật.
Tuy vậy nhóm thứ ba này, trong chừng mực nào đó, họ cũng có chút tác dụng cảnh báo cho chính quyền và các cơ quan chức năng biết được những sai lầm, khuyết điểm để sửa chữa và khắc phục, thấy nguy cơ mà cảnh giác, đề phòng, thấy thủ đoạn mà đối phó.
Còn nhóm thứ tư, nếu nghĩ đơn giản thì chỉ thấy những sản phẩm của họ trên mạng là vô hại, nhưng thực chất lại là nhóm đáng lo ngại nhất.
Nhiều "tác giả" trong nhóm thứ tư có đủ điều kiện về nhận thức, về kinh nghiệm sống nhưng họ không quan tâm hoặc tỏ ra không quan tâm với bất cứ tình hình gì của xã hội liên quan tới cuộc sống cộng đồng.
Trong y học, đó không phải là một loại bệnh, nhưng trong xã hội có thể coi đây là căn bệnh của cách hành xử, căn bệnh của lối sống, căn bệnh ung thư tâm hồn.
Tính nhân văn, lòng nhân ái, thái độ trách nhiệm lẽ ra phải là ngọn lửa sưởi ấm, là ánh sáng trong cuộc đời mỗi con người, mỗi gia đình cũng như toàn xã hội, thế nhưng ngày nay, bên cạnh nhiều nét đẹp vẫn luôn hiện hữu trong cuộc sống của những con người luôn biết đồng cảm, chia sẻ, giúp đỡ người khác, thì cũng có không ít kẻ sống ích kỷ, vô trách nhiệm, vô cảm, vô đạo đức.
Nếu là những "tác giả" tuổi còn quá trẻ, mới tham gia mạng xã hội, chưa có ý thức nhiều đối với cộng đồng thì còn thông cảm, nhưng đối với những doanh nhân, những nhà khoa học, những cán bộ quản lý đương chức, đương quyền, những cán bộ lão thành đã có nhiều năm cống hiến cho đất nước, hưởng bổng lộc của chế độ mà lại thể hiện sự trơ lì cảm xúc đối với những hiện tượng đời sống xung quanh, chỉ quan tâm đến quyền lợi của bản thân thì không thể coi đó là chuyện bình thường.
Những con người này không biết quá khứ họ đã cống hiến những gì nhưng hiện tai thấy cái tốt họ không ủng hộ, thấy cái xấu không dám phê phán. Nguy hại hơn, thấy lợi ích dân tộc, chế độ (mà họ đã được hưởng bổng lộc) có nguy cơ đe dọa nhưng làm ngơ. Loại như vậy trước đây chỉ là số ít, nhưng giờ đây nó đang có chiều hướng lây lan thành căn bệnh có tính xã hội và vô cùng xấu cho an nguy chế độ và cộng đồng.
Nhiều "tác giả" trong nhóm thứ tư đã và đang thừa hưởng cả một đống lộc kếch sù của chế độ ban cho nhưng họ lại cho rằng mình cống hiến thế đủ rồi, bây giờ xã hội thế nào đã có người khác lo, có người khác làm. Họ nghĩ đó là cách sống chuẩn nhất, thậm chí cho rằng đó mới là chuẩn mực đạo đức của họ nhưng thực ra họ chỉ là những kẻ công thần và vô cảm, họ đang bị suy thoái về đạo đức, suy đồi về lối sống, và có thể đang bị cả “ung thư” trong chính tâm hồn họ.
Trong bối cảnh đang toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, cùng với việc tiếp thu những tinh hoa của văn minh nhân loại, thì lối sống kiểu “mũ ni che tai” đang tác động mạnh đến tâm lý xã hội và dần dần hình thành một lối sống thực dụng, vô cảm trong một bộ phận con người Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét