XIN ĐỪNG ĐỔ MỌI TỘI LỖI LÊN ĐẦU DÂN
Những vụ tụ tập đông người, biểu tình thậm chí nổi loạn ở một số tỉnh thành đã đi qua được một thời gian, nhưng dư âm của nó đã để lại trong chúng ta rất nhiều bài học và những sự cảnh tỉnh, và thật sự là những điều đáng phải suy ngẫm này chưa bao giờ có thể cho qua.
Trong lúc đang xảy ra và giờ đây khi các vụ tụ tập đông người phản đối về Dự luật đặc khu kinh tế của Chính phủ đã qua đi, bản thân tôi và rất rất nhiều  người luôn theo sát thông tin trên các phương tiện truyền thông của Chính phủ và của các tổ chức phi chính phủ cũng như trên mạng xã hội truyền thông, lắng nghe ý kiến của các vị lãnh đạo các cơ quan ban ngành đoàn thể của Nhà nước cũng như lắng nghe ý kiến của toàn thể nhân dân, nhưng tôi chỉ thấy mỗi một điều là đa số đều đổ tội cho người dân do kém hiểu biết, thiếu thông tin nên đã bị các thành phần xấu kích động và lôi kéo dẫn đến các hành động vi phạm pháp luật.
Đành rằng đó là một sự thật, một thực tế, song nếu tất cả chúng ta đều đổ hết mọi tội lỗi lên đầu người dân như vậy thì liệu có phải là đã đúng đắn và công bằng hay chưa?
Xin thưa là chưa. Không đúng và không công bằng, vậy nên tất cả chúng ta cần phải suy ngẫm.
Dân kém hiểu biết vì sao? Vì nền giáo dục của chúng ta chưa đủ tốt.
Dân thiếu thông tin vì sao? Vì sự tuyên truyền, định hướng tư tưởng, hướng dẫn về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước chưa đủ tốt, chưa kịp thời
Một bộ phận không nhỏ người dân thiếu niềm tin vào chủ trương, đường lối của Nhà nước là vì sao? Là vì đã có rất nhiều những việc làm của các cơ quan ban ngành của Nhà nước và các cấp chính quyền của một số địa phương  đã chưa làm cho người dân tâm phục khẩu phục và trọn lòng tin theo.
Bọn phản động kích động cũng là nhắm vào những nơi đang có tranh chấp đất đai, khiếu kiện kéo dài, nơi chính quyền làm sai mà không chịu sửa đổi vì người dân.
Những việc làm sai trái vẫn còn đầy rẫy ra đó, nạn tham nhũng cửa quyền, cơ hội và lợi ích nhóm bao năm qua đã đang dần giết chết niềm tin của nhân dân.
Như vậy bắt dân phải giữ trọn niềm tin là giữ làm sao?
Thú thật, buồn vì nhân dân bị kích động và lôi kéo dẫn đến những hành động vi phạm pháp luật một phần thì buồn cho sự đổ lỗi, đổ tội này gấp mười lần.
Chúng ta vẫn chưa thấy một ai đứng ra nhận khuyết điểm, cũng chưa thấy một ai trong bộ máy nhà nước đứng ra khiển trách, kỷ luật các cơ quan chức năng phụ trách về giáo dục đường lối, tư tưởng và tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, bên cạnh đó lại có đầy rẫy những trang truyền thông "lá cải" hoạt động một cách vô tổ chức như đổ thêm dầu vào lửa nhằm mục đích tư lợi cá nhân.
Tất cả chỉ dừng lại ở những lời hô hào mang tính chất biểu ngữ rằng nhân dân hãy bình tĩnh, hãy tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Xin đừng đổ hết mọi tội lỗi lên đầu nhân dân!
Thực tế cuộc sống xã hội đã chứng minh, một đất nước, một quốc gia thì cũng chỉ là một xã hội:
Một người sống tốt với đạo đức lối sống chuẩn mực, được mọi người tin yêu thì dù cho những kẻ ghen ghét có nói xấu, có bôi nhọ, có lôi kéo cỡ nào thì những người đã kính trọng và yêu quý người đó cũng không bao giờ nghe theo. Nếu có những người làm phản lại người ấy, nghe theo kẻ xấu thì chỉ có thể là một trong hai trường hợp sau đây:
Một là, người đó chưa đủ tốt, chưa mang đến một niềm tin tuyệt đối.
Hai là, những người nghe theo kẻ xấu họ có mưu đồ toan tính riêng về lợi ích cá nhân của họ.
Chúng ta hãy nhớ đến thời kỳ cải cách ruộng đất ở miền Bắc. Phải nói đó là một sai sót lớn trong lối tư duy và hành động theo kiểu quan liêu, chủ quan duy ý chí. Vụ việc ấy có nhiều oan gia, oan trái lắm! Có nhiều gia đình vì thế mà đã không ngóc đầu lên nổi. Ngày ấy chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã công khai thừa nhận sai lầm trước toàn thể quốc dân đồng bào và Người đã khóc. Người đã dũng cảm nhận khuyết điểm và tự phê bình một cách trung thực, thẳng thắn, và cũng chính vì thế mà Người cùng với Đảng vẫn đã nhận được trọn tấm lòng tin yêu của nhân dân, và vì nhờ có lòng tin yêu, tuyệt đối trung thành ấy của nhân dân mà chúng ta mới chiến thắng được đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai bán nước mặc cho chúng dùng mọi thủ đoạn tâm lý chiến thâm độc để kích động, xúi dục và lôi kéo nhân dân.
Lấy lại niềm tin của nhân dân trong giai đoạn này là việc làm thiết thực và cấp bách hơn bao giờ hết, nó không bao giờ được coi là muộn. Chúng ta phải có những việc làm thiết thực để chứng minh với nhân dân về một niềm tin. Chúng ta cần hơn bao giờ hết việc làm trong sạch bộ máy nhà nước, bộ máy công quyền. Cương quyết và cứng rắn không thể để nạn tham nhũng, lối tư duy, phong cách làm việc theo kiểu quan liêu, vô trách nhiệm và cửa quyền kéo dài thêm được nữa.
Hãy dũng cảm nhận trách nhiệm và tự phê bình về sự yếu kém trong việc tổ chức giáo dục, tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước của các cơ quan chức năng liên quan. Phải có sự thẳng thắn và công khai trong việc xử lý kỷ luật những người cán bộ đảng viên không hoàn thành trách nhiệm mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã giao phó. Hãy mạnh mẽ bài trừ tệ nạn chủ nghĩa vị kỷ cá nhân trong tư tưởng những người Đảng viên  vì chủ trương, đường lối của Đảng cộng sản Việt Nam là của dân, do dân và vì dân.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét