Lịch sử của dân tộc Việt Nam là lịch sử của quá trình dựng nước đi đôi với giữ nước, đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt nối liền quá khứ - hiện tại – tương lai và đã kết tinh nên giá trị văn hóa hóa truyền thống tốt đẹp, đó chính là “tinh thần yêu nước”. Từ ngàn xưa cho đến nay, tinh thần ấy đã hun đúc nên sức mạnh quật cường của dân tộc, đánh thắng các thế lực ngoại xâm hung bạo, bảo vệ vững chắc nền độc lập chủ quyền của đất nước. Dù trong cảnh binh đao khi giặc đến, hay giữa lúc thanh bình rộn rã tiếng cười vui, mỗi người con đất Việt đều thể hiện tinh thần yêu nước vì mục đích chung là giữ gìn độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh tổ của Tổ quốc, xây dựng quê hương đất nước giàu đẹp, văn minh... Ngày nay trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tinh thần yêu nước được thể hiện qua những hành động cụ thể, thiết thực, không khó để chúng ta điểm ra những tấm gương tiêu biểu: Đó là cụ Vũ Văn Thuận, 71 tuổi vẫn miệt mài đóng góp công sức xây dựng nông thôn ở tỉnh Hải Dương; PGS, TS, Bác sỹ Trần Ngọc Lương, người đầu tiên áp dụng thành công phẫu thuật nội soi tuyến giáp và tránh gây sẹo cổ, đã chuyển giao cho 30 bệnh viện trong nước thực hiện thành công trên 22.000 ca, được nhiều bác sỹ nước khác đến học tập; em Huỳnh Hoàng Khánh, 14 tuổi, học sinh xuất sắc, có nhiều sáng kiến hay của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Him Lam, tỉnh Hậu Giang; đó là thiếu tá Lê Văn Phượng (quê Nghệ An; cán bộ Chính trị thuộc BCH quân sự tỉnh Quảng Trị) đã hy sinh trên dòng sông Thạch Hãn khi đang làm nhiệm vụ cứu dân trong cơn bão số 9 (năm 2010)...
Đó còn là biết bao chiến sĩ biên phòng gác lại tuổi thanh xuân nơi phố phường nhộn nhịp, bảo vệ vững chắc phên dậu của Tổ quốc; là những chiến sĩ Công an nhân dân hy sinh trong khi làm nhiệm vụ gìn giữ thanh bình cho quê hương, đất nước, để “cho e thơ ngủ ngon và vui bước sớm hôm đến trường, cho yên vui mùa xuân, đôi lứa còn hẹn hò ước mơ”; hay đơn giản chỉ là những chị lao công vẫn miệt mài trong đêm khuya thanh vắng dọn dẹp đường phố giữa tiết trời đông lạnh giá. Họ thực sự là những tấm gương bình dị mà cao quý tiếp tục viết lên những câu chuyện cổ tích giữa đời thường.
Vậy mà, đáng buồn thay, trong khi hàng triệu trái tim đang cùng nhau gánh sức chung vai, xây dựng đất nước ta giàu mạnh; lại có những quần chúng nhân dân, thanh niên quá khích, hiếu kỳ, ích kỷ, hám lợi trước mắt, nghe theo sự kích động, xúi giục của các thế lực thù địch, có những hành động mà ta không thể sử dụng từ nào hợp hơn là cách hành xử kiểu “côn đồ”. Trong sự việc gây rối ở một số địa phương mà điển hình là ở Bình Thuận liên quan đến cái gọi là phản đối Luật Đặc khu, một số đối tượng quá khích đã gây rối tấn công lực lượng chức năng, đập phá công sở của cơ quan nhà nước, đốt xe của cơ quan chức năng... gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Sau khi được hỏi, các đối tượng khai rằng: Nghe theo lời xúi giục của người lạ và có người cho tiền để tham gia vào các vụ gây rối, đập phá trụ sở hành chính vào tối 10-11/6.
Cũng là một công dân bình thường như bao người khác, nhưng bản thân tôi thực sự “sốc” và cảm thấy tủi nhục, khi lòng yêu nước đã được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử, đánh đổi bằng xương máu của bao thế hệ cha anh, đó là giá trị thiêng liêng và vô giá; vậy mà tất cả điều đó đã được mang ra trao đổi bằng những đồng tiền nhơ nhuốc để phục vụ cho những âm mưu đen tối của các phần tử cơ hội, bất mãn.
Xin thưa rằng, cái hành vi “tập hợp nhau lại” để gây rối, đập phá, đốt phá do nhận những đồng tiền dơ bẩn, bán rẻ lương tâm, vịn vào cái cớ yêu nước để hành xử kiểu “xã hội đen” chỉ là cái cớ để thỏa mãn sự ít kỷ của những kẻ vô trách nhiệm với bản thân, gia đình, quê hương, đất nước... Bởi lẽ, ranh giới giữa lòng yêu nước chân chính và lòng yêu nước bị lợi dụng là rõ ràng và không thể dễ dàng bị đánh đồng trong cách thể hiện./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét