KHI SỰ VÔ Ý CÓ THỂ GÂY
HẬU QUẢ NGHIÊM TRỌNG!
Thời gian gần đây, bằng nhiều hình thức, các thế lực thù địch,
các phần tử xấu, những kẻ phá hoại đang kêu gọi, dụ dỗ, kích động người dân
chống đối chính quyền, tham gia biểu tình, thực hiện các hoạt động phá hoại
nhân ngày Quốc khánh… Tuyệt đại đa số người dân không nghe và không tin vào các
thủ đoạn rẻ tiền này. Nhưng từ những cuộc “xuống đường”, một số vụ án trước
đây, có thể thấy, vẫn có người nhẹ dạ hoặc vô ý mà tham gia các hoạt động sai
trái, tiêu cực này.
Dân gian hay nói: Không biết không có tội! Thực ra, đối với
những người có đủ năng lực hành vi dân sự, dù không biết, nhưng nếu tham gia
các hoạt động vi phạm pháp luật thì vẫn phải chịu trách nhiệm cho hành vi đó,
có thể bằng sự cảnh cáo, phạt hành chính hoặc phải truy cứu trách nhiệm hình
sự. Nhưng trên hết, nếu vô ý tham gia một số hành vi sai trái thì dù chưa phải
chịu trách nhiệm trước các cơ quan chức năng về hành vi đó thì người vi phạm
vẫn có thể chịu trách nhiệm về mặt lương tâm, đạo đức xã hội, dư luận xã hội.
Bởi trên thực tế, đã có không ít sự vô ý gây nên những hậu quả
nghiêm trọng cho xã hội và trong một số trường hợp nào đó, có thể gây hậu quả
cho chính bản thân và gia đình của người vô ý đó. Chẳng hạn, hồi đầu tháng
6/2018, trong khi Quốc hội đang thảo luận và chuẩn bị thông qua dự án Luật Đặc
khu và Luật An ninh mạng, một số phần tử phá hoại đã kích động người dân xuống
đường thực hiện cái gọi là “biểu tình ôn hòa”, kêu gọi công nhân ở một số nơi
bãi công, lãn công... Tại Công viên Hoàng Văn Thụ và đường Trường Sơn, có khá
đông người tụ tập, tuần hành và không ít người đã tràn xuống lòng đường Trường
Sơn, gây ùn tắc cục bộ khu vực ra vào sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Những kẻ
phá hoại đã có ý đồ đưa đám đông vào sát, thậm chí có thể tràn cả vào sân bay,
nhằm gây tê liệt hoạt động của cảng hàng không lớn nhất khu vực phía Nam.
Sau những nỗ lực của các cơ quan chức năng và lực lượng an ninh,
tình hình nhanh chóng được vãn hồi, nhưng cũng đã có một số chuyến bay bị hoãn,
bị trễ, một số người bị lỡ chuyến, có thể gây thiệt hại không nhỏ cho cá nhân,
gia đình và đơn vị của họ. Sự việc tưởng chừng như chỉ là thiệt hại của ai đó
nhưng trong số này cũng có thể có thân nhân, gia đình, công ty, xí nghiệp… của
chính những người tham gia xuống đường. Thí dụ: dù không ai thống kê, nhưng
không loại trừ có trường hợp doanh nghiệp nào đó vì người đại diện trễ chuyến
bay nên việc đàm phán, ký kết hợp đồng bị trễ hoặc hủy, bị buộc phải giảm sản
xuất, làm giảm việc làm và thu nhập của công nhân, có khi chính là một trong số
những người hoặc là thân nhân họ đã tham gia tuần hành vào ngày hôm đó. Như
vậy, việc làm của một người, dù vô ý, vẫn có thể gây thiệt hại cho chính người
đó và người thân của họ.
Với những người vô ý tham gia biểu tình này, dĩ nhiên họ không
bị sự chế tài nào của pháp luật, nhưng với dư luận xã hội, đạo đức xã hội, họ
có thể bị lên án, bị chê trách, bị phản đối, bởi đã có hành vi không phù hợp
với lợi ích của cộng đồng, với nguyện vọng của đông đảo người dân. Chính điều
đó có thể tác động đến lương tâm, ý thức của họ. Nếu bản thân họ không rút kinh
nghiệm, không tự điều chỉnh mà vẫn còn có những hành vi tương tự thì có thể sẽ
nhận những phản ứng, chê trách nặng nề hơn, có thể chịu những thiệt hại lớn
hơn, thậm chí cả những chế tài của pháp luật nếu hành vi đó gây ra hậu quả
nghiêm trọng.
Những ngày nghỉ lễ sắp tới là dịp để đồng bào ta tri ân những
người con ưu tú của đất nước đã làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám long trời lở
đất, đưa đất nước ta thoát khỏi gần 90 năm nô lệ và bắt đầu xây dựng một nhà
nước kiểu mới, là dịp để người dân thành phố chào đón và thưởng thức các hoạt
động văn hóa – nghệ thuật mừng Quốc khánh, là dịp để mọi người có thể nghỉ
ngơi, thư giãn sau những ngày làm việc vất vả… Gắn với những ngày cuối tuần,
ngày Quốc khánh trở thành một kỳ nghỉ khá dài, có thể đáp ứng yêu cầu nghỉ
ngơi, thư giãn, tham quan du lịch… của nhiều người dân thành phố.
Do đó, bất kỳ sự cản trở nào đối với những quyền lợi chính đáng
đó của người dân thành phố cũng là đáng chê trách, đáng bị lên án, thậm chí
đáng bị trừng trị. Nếu ai đó cho rằng bản thân thấy rằng lời kêu gọi “của ai
đó” không biết có ai hưởng ứng không rồi tò mò ra đường, tò mò tham gia thì có
thể vô tình tiếp tay cho bọn phá hoại gây mất ổn bình, mất sự bình yên của
thành phố, làm ảnh hưởng đến việc nghỉ lễ của chính bà con chúng ta. Sự vô ý đó
cũng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho đời sống xã hội, cho nhiều
người, kể cả trong đó có người thân, họ hàng của chính người có hành vi sai
trái.
Vì vậy, chúng ta nên thực sự cảnh giác! Chúng ta nên thực sự
tỉnh táo. Chúng ta nên thực sự nghĩ đến “cái lợi” và “cái hại” (cho ai, như thế
nào, vì sao…) trước khi có một hành vi “hưởng ứng”!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét