Thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý có phải là một giải pháp cho công tác cán bộ?

          Gần đây, báo chí thông tin nhiều đến sự chuyển động của các địa phương trong đổi mới công tác cán bộ. Qua báo chí, cán bộ, đảng viên và nhân dân biết được các tỉnh Quảng Ninh, Đà Nẵng, Thái Bình đã thực hiện thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng và cấp sở, ban, ngành trực thuộc tỉnh. Và tới đây là Quảng Nam, Bắc Ninh và Đồng Tháp cũng sẽ triển khai việc làm này. 
          Theo cấp ủy những địa phương đã, đang và sẽ thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, thi tuyển là một cách làm mới, dân chủ, công khai và có thể chọn được người thực tài hơn so với cách làm công tác cán bộ truyền thống. Thi tuyển cũng sẽ hạn chế được tình trạng chạy chức, chạy quyền vốn đang là vấn đề bức xúc trong dư luận hiện nay. 
          Công bằng mà nói thì đây là những lý do đầy thuyết phục trong bối cảnh công tác cán bộ đang còn nhiều biểu hiện bất cập và đòi hỏi cần có những giải pháp mang tính đột phá. Tuy nhiên, việc làm mới này không phải không có những vấn đề rất cần được phân tích mổ xẻ trước khi được áp dụng ra diện rộng. 
          Như đã biết, công tác cán bộ là một chỉnh thể thống nhất của rất nhiều khâu: Từ qui hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, đánh giá, đến bố trí, sử dụng, chính sách cán bộ. Trong đó, các khâu đều có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Khâu này vừa là cơ sở, vừa là kết quả của khâu kia. Ví như: Có làm tốt công tác qui hoạch cán bộ, mới có thể tiến hành đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng đúng và hiệu quả đội ngũ cán bộ. Và ngược lại, có bố trí đúng cán bộ mới có cơ sở để tiếp tục thực hiện tốt các khâu còn lại khác của công tác cán bộ. 
          Mối quan hệ biện chứng này đã được kiểm chứng trong thực tiễn lãnh đạo công tác cán bộ của Đảng qua các thời kỳ cách mạng. Ở đâu và khi nào, các cấp ủy thực hiện và vận dụng một cách có trách nhiệm mối quan hệ này, ở đó công tác cán bộ được tiến hành một cách chủ động đáp ứng kịp thời việc lãnh đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị. Thực tế này cho thấy, việc vận dụng sáng tạo mối quan hệ biện chứng giữa các khâu của công tác cán bộ cần được xem như một nguyên tắc trong quá trình thực hiện đổi mới công tác bộ hiện tại. 
          Trở lại với chủ trương thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý mà một số địa phương đang tiến hành, kết quả như thế nào, cần phải có thêm thời gian mới có thể đánh giá. Nhưng vấn đề nảy sinh thì không ít điều đã có thể nhìn thấy. Trước hết là tính chỉnh thể thống nhất của các khâu trong công tác cán bộ rất có thể bị phá vỡ. Thi tuyển chỉ thực sự có tác dụng khi có nhiều đối tượng tham gia. Với một chức danh, số cán bộ dự thi không thể chỉ bó hẹp trong 3 người nằm trong qui hoạch. Phải mở rộng đối tượng tham dự, như vậy thi tuyển mới thực sự dân chủ và mới có thể chọn ra những người có năng lực nhất để phụ trách công việc. 
          Nhưng nếu khi có nhu cầu về cán bộ là cứ tổ chức thi, còn các khâu khác của công tác cán bộ như đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, đặc biệt là qui hoạch cán bộ sẽ như thế nào. Đây là vấn đề không thể không tính đến. Đề cao thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý rất có thể dẫn đến tâm lý xem nhẹ, thậm chí cho rằng không cần phải qui hoạch cũng như không cần phải tiến hành các khâu còn lại của công tác cán bộ. Và khi đó điều gì sẽ xảy ra với công tác cán bộ? Sự manh mún, chắp vá trong công tác này hiện tại liệu có thể được khắc phục? Câu trả lời thế nào ai trong chúng ta cũng là người biết rõ. 
          Một vấn đề nữa không thể không đề cập, đấy là nguyên tắc Đảng lãnh đạo công tác cán bộ. Liệu thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, nguyên tắc này có được đảm bảo tốt hơn so với cách làm truyền thống. Bất kỳ sự khẳng định tốt hơn vào lúc này đều chưa có cơ sở. 
          Có người nói rằng: Đảng đề ra chủ trương, rồi Đảng tổ chức thi tuyển. Đấy là sự lãnh đạo. Quan niệm như vậy không sai. Nhưng cho rằng qua thi tuyển, sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cán bộ sẽ đảm bảo hơn lại là điều cần có sự cân nhắc. Kết quả lãnh đạo của Đảng đối với công tác cán bộ chỉ có thể được khi Đảng thực sự chọn được những cán bộ có đủ cả tài và đức tham gia vào đảm đương các cương vị chủ chốt trong bộ máy của Đảng và nhà nước. Thi tuyển nếu được tổ chức một cách công tâm, khách quan, có thể chọn được người nổi trội về năng lực. Cách bố trí cán bộ theo truyền thống nếu được thực hiện như vậy, kết quả cũng sẽ không khác là mấy. 
          Nhưng thi tuyển có chọn được người cán bộ nổi trội về đạo đức hay không lại là điều không ai dám chắc. Bởi phẩm chất đạo đức của một người cán bộ, không thể đánh giá chính xác trong một thời điểm tức thì, qua một hai vòng thi tuyển. Vấn đề này cần phải có thời gian, cũng như sự dày công của các cấp ủy khi nhìn nhận người cán bộ rèn luyện trong thực tiễn. Về điểm này, thi tuyển chưa giải quyết được vấn đề, và chắc chắn, kết quả đánh giá, lựa chọn không chính xác bằng quá trình theo dõi sự rèn luyện, phấn đấu của người cán bộ theo nguyên tắc, phương pháp truyền thống. 
          Còn về vấn đề chạy chức, chạy quyền, nhiều ý kiến cho rằng, thi tuyển sẽ khắc phục được triệt để vấn nạn này. Và cũng từ đây, những người có quan điểm này đưa ra kết luận thi tuyển ưu việt hơn cách đề bạt cán bộ bấy lâu nay. Về mặt lý thuyết thi đây là một ý kiến đúng trong điều kiện đó là một cuộc thi nghiêm túc. Một người có mong muốn thăng tiến bằng con đường chạy chọt không thể cùng một lúc đến gõ cửa tất cả các đồng chí trong ban thường vụ để có thể nhận được điểm số ưu ái hơn trong cuộc thi. Tuy nhiên, nếu thử đặt vấn đề ngược lại, có người muốn biến cuộc thi trở thành thứ bình phong hợp lý hóa cho ý đồ cá nhân của mình, điều gì sẽ xảy ra, nhất là trong trường hợp người đó là một trong những cán bộ đứng đầu cấp ủy, có tiếng nói chi phối tất cả các thành viên khác trong hội đồng thi. Trong hoàn cảnh này, liệu có ai dám chắc việc tổ chức thi sẽ hạn chế được tình trạng chạy chức, chạy quyền. 
          Có thể thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý là một cách làm mới và có những ưu điểm nhất định, nhưng để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác cán bộ hiện nay thì chưa phải là giải pháp mang tính căn cơ và bài bản. 
          Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Trong bối cảnh hiện tại, rất cần có sự đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác này. Tuy nhiên, bởi tính hệ trọng của công tác cán bộ nên bất kỳ một sự đổi mới nào liên quan đến công tác này đều cần được tiến hành một cách thận trọng, tránh tư tưởng vội vàng khi nhân rộng những cách làm chưa được thực tế kiểm nghiệm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét