THẾ HỆ TRẺ CẦN NÊU CAO CẢNH GIÁC KHI SỬ DỤNG INTERNET

     Để chống phá cách mạng Việt Nam, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch luôn xác định: “Diễn biến hoà bình” trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng là then chốt, mũi đột phá, là “cái cầu để dẫn vào trận địa”. Chúng cho rằng “một đô la chi cho tuyên truyền có tác dụng ngang với 5 đôla chi cho quốc phòng”. Níchxơn trong cuốn sách: Chiến thắng không cần chiến tranh (1999) đã viết: “Mặt trận tư tưởng là mặt trận quyết định nhất”, “toàn bộ vũ khí của chúng ta, các hoạt động mậu dịch, viện trợ, quan hệ kinh tế sẽ không đi đến đâu nếu chúng ta thất bại trên mặt trận tư tưởng”. Trong lĩnh vực chính trị, tư tưởng, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch quan tâm nhất là kích động “dân chủ”, “nhân quyền”, “vấn đề dân tộc”, “vấn đề tôn giáo”, đặc biệt là làm cho chúng ta tự diễn biến, tự chuyển hoá. Chúng coi thế hệ trẻ (thanh niên) là mục tiêu trọng yếu, tấn công họ là mũi xung kích để chọc thủng mặt trận chính trị, tư tưởng của cách mạng Việt Nam.
     Thế hệ trẻ là một bộ phận quan trọng, là vốn quý và thế mạnh trong chiến lược phát triển đất nước. Tuy nhiên, do đặc điểm tâm lý lứa tuổi và một phần do hạn chế về nhận thức, họ là đối tượng trọng điểm để các thế lực thù địch, phản động mua chuộc, lôi kéo, kích động…, nhằm thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.
Công nghệ thông tin ngày nay đang phát triển với tốc độ “chóng mặt” đã làm thay đổi nhiều mặt của đời sống xã hội, trong đó có tác động lớn tới nhận thức và hành động của thế hệ trẻ ở nước ta. Các thế lực thù địch đã nắm bắt, lợi dụng những mặt trái của công nghệ thông tin, cụ thể là lợi dụng khả năng tuyên truyền và phản tuyên truyền qua Internet để thực hiện âm mưu chiến lược “diễn biến hòa bình” với nhiều thủ đoạn mới tinh vi, xảo quyệt. Đối tượng mà các thế lực thù địch “ưu tiên” tập trung chống phá bằng chiến lược “diễn biến hòa bình” trên mạng Internet không phải ai khác, chính là thế hệ trẻ. Điều này trực tiếp đặt ra yêu cầu cho mỗi công dân trẻ tuổi: phải có bản lĩnh và kỹ năng sử dụng mạng Internet an toàn; đặc biệt phải nghiêm túc tự xây dựng cho mình ý thức phòng, chống chiến lược “diễn biến hòa bình” trên mạng Internet.
     Thế hệ trẻ ở nước ta hiện nay phần lớn đều đã và đang tiếp cận với mạng Internet với nhiều hình thức khác nhau, nghĩa là họ đang trong “tầm ngắm” của các thế lực thù địch thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” trên mạng Internet. Nếu không có bản lĩnh vững vàng, không được trang bị những kỹ năng cơ bản và lượng kiến thức cần thiết để lựa chọn, xử lý và sử dụng thông tin thì không ít bạn trẻ đều có thể trở thành “nạn nhân” của những thủ đoạn “diễn biến hòa bình” từ các thế lực thù địch. Biết rằng, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, nhu cầu sử dụng mạng Internet để học tập, giao lưu là khách quan, một xu thế tất yếu để hội nhập và phát triển.
     Một phần do những sơ hở, buông lỏng trong công tác quản lý thông tin mạng ở nước ta, các thế lực phản động, cơ hội, chống đối chính trị luôn triệt để lợi dụng những đặc điểm riêng biệt của thanh niên để thực hiện các đòn tấn công thâm hiểm vào tâm lý của họ. Đó là tâm lý nhạy cảm, ham tiếp cận cái mới, thích tự do, tự khẳng định mình… của người trẻ tuổi, trong khi vốn sống và nhận thức chính trị-xã hội của họ còn nhiều hạn chế. Bằng việc đẩy lên mạng các thông tin sai lệch, xuyên tạc, hoặc đúng nhưng bị thổi phồng, bóp méo trên các trang web, các blog, các mạng xã hội, chúng đã tác động mạnh mẽ, nhiều chiều đến thanh niên. Chúng sử dụng các sản phẩm văn hóa đồi trụy, phản động với mục đích đầu độc quần chúng nói chung, đặc biệt là thế hệ thanh niên ở nước ta nói riêng, làm chuyển đổi giá trị thẩm mỹ, thị hiếu nghệ thuật, chuyển đổi các thang bậc giá trị của xã hội theo chiều hướng xấu; âm mưu biến thế hệ trẻ thành công cụ và lực lượng xã hội chủ yếu của “diễn biến hòa bình”. Qua đó mà thanh niên rất dễ bị dụ dỗ, lôi kéo, tiêm nhiễm văn hóa, lối sống thực dụng, ngoại lai; tự hình thành tâm lý ham thích hưởng thụ, thủ tiêu trách nhiệm, nghị lực sống của bản thân, dẫn đến sao nhãng mục tiêu, lí tưởng phấn đấu; đưa họ đến với nhận thức và việc làm tiêu cực, cổ súy cho cái sai, cái bất hợp lý. Trong thực tế, đã có một bộ phận thanh niên đua đòi theo trào lưu, lối sống thực dụng, đòi xét lại quá khứ; một số người đã phụ họa với những quan điểm sai trái, phát ngôn theo luận điệu của các thế lực thù địch, phủ định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; số khác bị lôi kéo, kích độngđã tham gia vào một số vụ gây rối hoặc tiếp tay cho các thế lực thù địch phản động gây mất an ninh trật tự xã hội, chống đối chính quyền. Họ có thể vướng vào vòng lao lý. Một bộ phận thanh niên khác lại có biểu hiện sống ích kỷ, sống ảo, thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội khi họ quá sa đà vào các hoạt động trên không gian mạng. Cuộc sống của họ có thực sự bảo đảm sự hạnh phúc; họ thực sự là người có ích đối với xã hội (?) khi đã bị rơi vào “cạm bẫy” Internet với thế giới “game”, thế giới ảo, thế giới đảo lộn thực hư vì những thông tin hư thực???...
Rõ ràng hậu quả, tác hại của việc sử dụng mạng Internet  không đúng cách đối với thế hệ trẻ là thật sự khó lường.

     Do đó, một bạn trẻ, nếu thật sự sống có lý tưởng và có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội phải biết cách khai thác, sử dụng Internet an toàn, tự hình thành “sức đề kháng”, khả năng “miễn dịch” của mình trước những tác động nhiều chiều của thông tin trên mạng. Các bạn trẻ hãy sống và vươn lên bằng “Tâm trong - Trí sáng - Hoài bão lớn”. Chúng ta cùng nêu cao cảnh giác, cẩn trọng trong việc lựa chọn, xử lý thông tin để đáp ứng nhu cầu thiết thực và cuộc sống của chính mình, góp phần làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch lợi dụng Internet để chống phá cách mạng Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét