Nhận diện âm mưu, thủ đoạn lợi dụng các vấn đề dân tộc để chống phá cách mạng Việt Nam

Thực hiện chiến lược 'Diễn biến hòa bình' đối với Việt Nam hiện nay, các thế lực thù địch, phản động đã và đang triệt để lợi dụng các vấn đề về dân tộc thiểu số (DTTS), 'chủng tộc', 'sắc tộc', 'dân tộc bản địa' để chống phá Việt Nam trên mặt trận dân chủ, nhân quyền, gia tăng hoạt động với nhiều thủ đoạn, phương thức khác nhau, tập trung tại các địa bàn chiến lược Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ và tại địa bàn ngoại biên. Chúng coi đây là mũi nhọn, ngòi nổ tiến công để phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc, tiến tới mục tiêu xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và lật đổ chế độ XHCN ở Việt Nam.
Hoạt động chính của các thế lực thù địch, phản động là tập trung tuyên truyền xuyên tạc, đả kích chính sách, pháp luật về dân tộc của Nhà nước ta; xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, "chèn ép", "phân biệt đối xử", đàn áp người DTTS. Chúng còn triệt để lợi dụng, khai thác những vấn đề phức tạp do lịch sử để lại ở các vùng dân tộc để kích động xuyên tạc sự thực, vu cáo Đảng, Nhà nước ta ngược đãi, phân biệt, đối xử bất bình đẳng với DTTS.
Lợi dụng khó khăn về đời sống, chênh lệch giàu nghèo giữa người DTTS với người Kinh; khuyết điểm trong thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo ở vùng đồng bào DTTS, chúng ra sức tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo Đảng, Nhà nước ta. Các tổ chức hội nhóm người DTTS lợi dụng các diễn đàn, hội nghị, viết bài vu cáo, xuyên tạc vùng đất của người DTTS và việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, ý đồ là quốc tế hóa vấn đề như "Vương quốc Khmer Krôm", "Vương quốc Chăm", "Nhà nước Mông", "Nhà nước Tin lành Đề-ga" hướng tới ly khai, tự trị, độc lập.
Gần đây, các thế lực thù địch và phần tử dân tộc cực đoan, nhất là một bộ phận trong cộng đồng DTTS Việt Nam sống lưu vong ở nước ngoài đang ra sức lợi dụng bản Tuyên ngôn về quyền của người bản địa của Liên hợp quốc 2007 mà Nhà nước ta đã tham gia, ráo riết kích động đồng bào các DTTS trong nước, đứng lên đòi quyền dân tộc tự quyết, lập "Nhà nước Khmer Krôm"; "Nhà nước Đề-ga", "Vương quốc Chămpa", "Vương quốc Mông" nhằm gây mất ổn định chính trị-xã hội, chia rẽ dân tộc, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, từng bước tiến tới phá vỡ sự toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước.
Chúng cố ý đánh đồng "quyền dân tộc tự quyết" là quyền của quốc gia, dân tộc- với tư cách là chủ thể của luật quốc tế với "quyền của người bản địa" là những quyền của các DTTS hoặc nhóm sắc tộc, thường là những quyền về văn hóa-xã hội của một bộ phận dân cư trong lòng một quốc gia-dân tộc. Thực chất, "quyền tự quyết" của dân tộc, sắc tộc trong một quốc gia không được phép vượt ra ngoài khuôn khổ "quyền dân tộc tự quyết", không được xâm phạm quyền của cả quốc gia-dân tộc.
Có thể khẳng định, các thế lực thù địch, phản động và tôn giáo cực đoan lưu vong ở nước ngoài đang thực hiện âm mưu lợi dụng "quyền dân tộc tự quyết" của người bản địa để hình thành các vùng đất tự trị trong lòng đất nước Việt Nam. Đây là ý đồ thâm độc, nguy hiểm mà chúng đã, đang rất quyết tâm thực hiện từ nhiều năm nay, nhất là với sự ra đời Tuyên ngôn về quyền của người bản địa của Liên hợp quốc 2007, đã tạo cớ để xuyên tạc, lợi dụng.
Trước tình hình trên, để góp phần đảm bảo an ninh chính trị vùng đồng bào DTTS, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, phản động và những phần tử cơ hội chính trị cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật về dân tộc của Nhà nước nhằm không ngừng phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, đảm bảo quyền bình đẳng của đồng bào DTTS.
Đồng thời, xây dựng vững chắc khối đại đoàn kết dân tộc, củng cố thế trận an ninh nhân dân và phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc. Lực lượng nòng cốt phải chủ động các biện pháp nghiệp vụ trong công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, vô hiệu hóa mọi âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề DTTS chống phá ta về dân chủ, nhân quyền.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét