“Phi chính trị hóa quân đội”,
đây là quan điểm hết sức thâm độc của các thế lực thù địch. Ở chỗ, chúng cho rằng
tổ chức ra quân đội là để “bảo vệ lợi ích toàn dân tộc”, quân đội đứng ngoài
giai cấp, “quân đội là của toàn xã hội”, “quân đội trung lập”... Chúng đã phủ
nhận bản chất giai cấp, chức năng chính trị-xã hội của quân đội trong xã hội có
giai cấp đối kháng. Thực chất của quan điểm “phi chính trị hóa quân đội” là tước
bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Quân đội nhân dân Việt Nam
(QĐNDVN), vô hiệu hóa quân đội, làm cho Quân đội ta đứng ngoài chính trị, mất
phương hướng chính trị và mục tiêu, lí tưởng chiến đấu, xa rời bản chất giai cấp
công nhân, dẫn đến suy yếu về chính trị, tiến tới quân đội “tự diễn biến” và bị
“vô hiệu hóa”. Từ đó đi đến thủ tiêu sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội ta.
Thực tiễn từng giai đoạn phát
triển của cách mạng đã chứng minh: dưới sự lãnh đạo của Đảng, QĐNDVN đã thực hiện
xuất sắc nhiệm vụ của mình, cùng với toàn Đảng, toàn dân đánh thắng mọi kẻ thù
xâm lược, lập nên những chiến công hiển hách và ngày nay đang có những đóng góp
quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Bên cạnh đó, Quân
đội là một tổ chức quân sự đặc thù khác với bất cứ tổ chức nào trong xã hội: có
cơ cấu biên chế đặc biệt phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của nó. Đặc điểm tổ chức,
biên chế của quân đội theo chế độ tập trung, mọi hoạt động đều chi phối bởi điều
lệnh, điều lệ nghiêm ngặt. Đồng thời, quân đội sử dụng hệ thống vũ khí chuyên
dùng mà các tổ chức khác trong xã hội không thể có được. Mọi nhận thức, động thái của
hành động quân sự đều có ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực cho bộ phận hay toàn
cục. Tính chất hoạt động của quân đội gian khổ, ác liệt, khi cần là hy sinh đến
tính mạng. Do đó, để bảo đảm tập trung thống nhất ý chí và hành động thì quân đội
phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đây là nguyên tắc bất di bất dịch. Đảng phải
luôn luôn nắm chắc và lãnh đạo quân đội trong mọi tình huống nhằm làm cho quân
đội luôn trung thành vô hạn với Đảng với nhân dân và chiến thắng mọi kẻ thù xâm
lược.
Kinh nghiệm cách mạng thế giới
đã chỉ rõ, từ xưa đến nay bất kỳ một giai cấp nào tổ chức, lãnh đạo nhà nước
thông qua chính đảng của mình thì cũng tổ chức và nắm quyền lãnh đạo quân đội.
Nếu Đảng đó thường xuyên tăng cường lãnh đạo đối với quân đội thì quân đội
trung thành, thực sự là lực lượng chính trị tin cậy của Đảng và nhà nước. Nếu Đảng
nào buông lỏng quân đội thì quân đội biến chất và mất phương hướng chính trị, lập
trường giai cấp. Thực tiễn quân đội ở các nước Đông Âu, Liên Xô những năm 80 của
thế kỷ XX là ví dụ điển hình. Vào thời điểm đó, quân đội Liên Xô được đánh giá
là một trong những đội quân mạnh nhất thế giới. Nhưng với âm mưu “phi chính trị
hóa quân đội”, các thế lực thù địch đã làm cho Đảng Cộng sản Liên Xô và các nước
XHCN Đông Âu mất quyền lãnh đạo quân đội, quân đội mất phương hướng chính trị,
cầm súng nhưng không biết bắn vào ai, dẫn đến kết quả: chế độ XHCN ở Liên Xô và
các nước Đông Âu sụp đổ nhanh chóng mà kẻ địch không mất một viên đạn.
Như vậy, quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của
quân đội ta luôn gắn liền với vai trò lãnh đạo của Đảng. Thực tiễn đã chứng
minh: Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định mọi thắng lợi
của cách mạng Việt Nam, sự trưởng thành và chiến thắng của quân đội. Mọi biểu
hiện làm giảm sút, hạ thấp vai trò, hay đòi chia quyền sự lãnh đạo của Đảng đối
với quân đội đều là sai trái và làm suy yếu quân đội./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét