CẢNH GIÁC VỚI CHIÊU TRÒ LỢI DỤNG CHỐNG THAM NHŨNG, SUY THOÁI CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH HIỆN NAY


Chống tham nhũng, suy thoái là cuộc đấu tranh khó khăn, gian khổ, lâu dài bảo vệ cái đúng, cái tích cực, loại trừ cái xấu, cái ác diễn ra ngay trong nội bộ, ngay trong đồng chí, ngay trong cấp lãnh đạo của tổ chức Đảng, đụng chạm rất nhiều vấn đề về quan hệ giữa con người với con người. Việc chúng ta phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm minh nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn gần đây thể hiện sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta và sự thống nhất, đoàn kết trong nội bộ Đảng. 
Lợi dụng vấn đề chống tham nhũng, một số phần tử chống phá đã tung ra luận điểm “Đảng Cộng sản Việt Nam không thể đấu tranh chống tham nhũng, suy thoái thành công”, tham nhũng, suy thoái là căn bệnh kinh niên của chế độ độc đảng cầm quyền; vì xã hội ta thiếu dân chủ nên không thể chống tham nhũng, suy thoái thành công; đã nhiều lần phát động chống tham nhũng, suy thoái nhưng đều không thành công, tệ nạn lại càng gia tăng... Từ đó, họ kết luận cuộc đấu tranh chống tham nhũng, suy thoái của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể thành công.
Luận điểm này chỉ là lẻ tẻ của một số người và chỉ dựa trên mấy luận chứng chủ quan, võ đoán. Bởi đánh giá cuộc đấu tranh chống tham nhũng, suy thoái về khả năng có thành công hay không phải dựa trên những chứng cứ lịch sử, đồng thời lại phải có cách đánh giá khách quan, toàn diện, dự báo đúng chiều hướng phát triển của tình hình.
Quốc gia nào cũng vậy, trong mỗi thời điểm đều do một đảng cầm quyền. Khi đảng nào cầm quyền thì người đứng đầu và các chức vụ quan trọng của chính quyền nhà nước đều do người của đảng đó đảm nhiệm; đường lối, chủ trương của đảng cầm quyền sẽ chi phối đường lối, chính sách của quốc gia. Dù là chế độ một đảng cầm quyền hay đa đảng thay nhau cầm quyền thì nạn tham nhũng, suy thoái vẫn thường xảy ra, kể cả các nước phát triển có hệ thống pháp luật khá hoàn chỉnh, có trình độ quản lý kinh tế, xã hội cao.
Như vậy, từ thực tế nền chính trị các quốc gia trên thế giới và lịch sử chế độ chính trị Việt Nam thời hiện đại đã chứng tỏ chế độ một đảng cầm quyền không phải là nguyên nhân sinh ra tệ nạn tham nhũng, suy thoái trong xã hội.
Với vấn đề dân chủ trong xã hội, đây là một vấn đề lớn, không một quốc gia nào dám tự coi là đã thực hiện một cách hoàn hảo. Mỗi quốc gia, dân tộc thực hiện dân chủ xã hội tùy thuộc vào tình hình chính trị - xã hội, sự hoàn thiện  hệ thống pháp luật, trình độ phát triển kinh tế, xã hội, truyền thống, phong tục, tập quán dân tộc và trình độ dân trí... Rõ ràng, không thể khẳng định một quốc gia nào đó có nền dân chủ đã phát triển đến mức hoàn thiện, nhưng cần khẳng định chắc chắn chống tham nhũng, suy thoái là việc làm xuất phát từ đòi hỏi khách quan của xã hội. Ở nước ta, chống tham nhũng, suy thoái là yêu cầu, đòi hỏi bức thiết cả trong công tác xây dựng Ðảng Cộng sản Việt Nam và phát triển đất nước.  
Sức hút của vấn đề chống tham nhũng, suy thoái đang trở thành mảnh đất mà một số phần tử chống phá chuyên dựng chuyện, xuyên tạc hoặc thêm thắt, đánh lận giữa chuyện thực và chuyện ảo, đánh vào tâm lý, thị hiếu tò mò của người dân, gây hoang mang, hoài nghi, thậm chí gây mất niềm tin vào quyết tâm và hành động của Đảng, Nhà nước. Họ mượn cớ bình luận vấn đề chống tham nhũng để tuyên truyền phá hoại, xuyên tạc vấn đề nội bộ của Đảng ta. Các thông tin có liên quan mà họ đưa ra dù không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm chứng; có thông tin thất thiệt và có cả thông tin bịa đặt lại được truyền tai người này sang người kia với tốc độ chóng mặt. Nó luôn có sức hút cũng bởi lí do người nghe không rõ thực hư của thông tin. Các thế lực thù địch nắm được đặc điểm tâm lý này của người dân nên luôn tìm cách nhào nặn thông tin, gây chú ý, tò mò nhất và tạo ra một kịch bản để người nghe tin là thật.
Do đó, chúng ta, với trách nhiệm là những công dân chân chính cần tỉnh táo khi tiếp cận và tìm hiểu các thông tin có liên quan đến vấn đề chống tham nhũng, suy thoái hiện nay trên không gian mạng; đồng thời, kiên quyết bài trừ các thông tin có nội dung phản động, xuyên tạc, bóp méo sự thật.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét