Kê khai tài sản của cán bộ là điều kiện cần thiết trong chiến lược phòng chống tham nhũng

     Việc Bộ Chính trị ban hành Quy định số 85-QĐ/TW ngày 23-5-2017 về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý thể hiện tính nêu gương đối với cán bộ cấp cao trong công tác kê khai và kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, thu nhập ngoài lương của người có chức vụ, quyền hạn, tăng lên và được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau.
      Việc xác minh tài sản, thu nhập còn cứng nhắc và chưa linh hoạt cho các mục tiêu PCTN nói chung, đặc biệt là chưa tạo sự chủ động cho các cơ quan trong phát hiện dấu hiệu tham nhũng như việc xác minh tài sản ngẫu nhiên hoặc theo phương pháp quản lý rủi ro để phát hiện tham nhũng. Đồng thời, cũng chưa có cơ chế bắt buộc người có nghĩa vụ kê khai phải tự chứng minh tính hợp pháp của tài sản mà người đó không kê khai và cơ chế thu hồi đối với tài sản không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp đó. Về trách nhiệm, pháp luật cũng chỉ mới quy định đối với việc chậm kê khai tài sản, thu nhập hoặc kê khai không đúng thì bị xử lý như áp dụng hình thức khiển trách, cảnh cáo đối với người kê khai chậm hoặc một hình thức khác nặng hơn như cách chức, bãi nhiệm, hạ bậc lương…
      Nguyên nhân quan trọng khác khiến cho việc kiểm soát thu nhập còn nhiều hạn chế là nền kinh tế Việt Nam vẫn chủ yếu sử dụng tiền mặt. Hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đã được quy định và triển khai thực hiện trong chi trả lương và các khoản phụ cấp. Các quy định về việc tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng còn có những nội dung chưa chặt chẽ, hình thức, không có tính khả thi và thiếu chế tài xử lý vi phạm. Quy định về trình tự báo cáo, nộp lại quà, nhất là đối với quà tặng bằng hiện vật rườm rà, phức tạp, khó thực hiện, không khuyến khích các cơ quan, cá nhân thực hiện; chưa có chế tài xử lý nghiêm vi phạm quy định về tặng quà, nhận quà; ranh giới giữa quà tặng và tài sản hối lộ khó phân biệt dẫn đến khó khăn cho việc xử lý và kiểm soát. Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện còn thiếu nghiêm túc, không mang lại hiệu quả thiết thực.
      Một thống kê cho thấy, trên cả nước, tỷ lệ xác minh tài sản thu nhập đối với tổng số bản kê khai trong cả nước là 0,057% tức là cứ 12.000 người thực hiện kê khai chỉ có 6 người được xác minh tài sản thu nhập. Việc triển khai, thực hiện xác minh còn bị động, thủ công, thiếu thống nhất, lãng phí nguồn lực cho cả các cơ quan quản lý công tác kê khai cũng như người có nghĩa vụ phải kê khai, trong khi đó việc kê khai tài sản thu nhập chưa giúp cơ quan nhà nước kiểm soát được tính trung thực của bản kê khai.
     Mới đây nhất, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) 2017, xếp hạng 180 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên ý kiến đánh giá của các chuyên gia và doanh nhân về tham nhũng trong khu vực công. Trong đó, Việt Nam đạt 35/100 điểm, xếp hạng 107/180 toàn cầu.
Tổ chức này cho rằng Việt Nam cần đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, củng cố và xây dựng các thể chế hiệu quả, gắn với trách nhiệm giải trình và có sự tham gia của toàn xã hội.
      Trước yêu cầu của công tác PCTN, vấn đề đặt ra là cần thực hiện việc kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn là việc kiểm soát cần được thực hiện trước hết trên cơ sở tạo một cơ chế đồng bộ và có sự kết nối giữa các phương thức hiện nay như về minh bạch tài sản, thu nhập, về nộp thuế thu nhập cá nhân, về thanh toán không dùng tiền mặt và quy định về việc nhận quà tặng và nộp lại quà tặng. Bên cạnh đó, cần có sự kết nối giữa các phương thức trên trong việc giám sát, phát hiện và xác minh các khoản thu nhập có nguồn gốc bất hợp pháp của người có chức vụ, quyền hạn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét