CÔNG CUỘC CHỐNG THAM NHŨNG Ở VIỆT NAM LÀ NGUYỆN VỌNG, Ý CHÍ CỦA TOÀN DÂN TỘC


Tham nhũng là một hiện tượng xã hội, là vấn đề không của riêng một quốc gia, vùng lãnh thổ nào, không phân biệt chế độ chính trị - xã hội, không phân biệt trình độ phát triển. Để tồn tại và phát triển các quốc gia đều phải chống tham nhũng. Việt Nam cũng vậy, chống tham nhũng là một hoạt động bình thường trong tiến trình phát triển đất nước, không phải là một hiện tượng xã hội hay một động cơ chính trị; trong thời gian gần đây, khi công cuộc chống tham nhũng ở nước ta bước vào giai đoạn quyết liệt, nhiều vụ án tham nhũng đã được đưa ra xét xử, có những vụ án liên quan đến cán bộ cấp cao thì lúc này các đối tượng xấu, thế lực thù địch xuyên tạc chúng cho rằng chống tham nhũng ở Việt Nam là “một cuộc chiến thanh trừng nội bộ”, “tranh giành quyền lực”,... Từ đó, tạo sự hoài nghi trong nhân dân về sự lãnh đạo của Đảng, nhằm phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.
Thực tiễn thời gian qua cho thấy công cuộc chống tham nhũng của Đảng và nhân dân ta đã thu được nhiều kết quả tích cực, thể hiện sự quyết tâm lớn của Đảng và nhân dân ta, tạo khí thế lan tỏa, được dư luận, nhân dân đồng tình, đánh giá cao. Một số vụ án đã đưa ra xét xử như: Vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm, phạm tội tham ô tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Tổng Công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC); Vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm, phạm tội “Tham ô tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land); Vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN); vụ án “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước”, “Trốn thuế”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” của Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm”, liên quan đến vụ án này khởi tố 2 cựu Chủ tịch Đà Nẵng Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến về các hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý đất đai”. Các cơ quan chức năng đã tích cực điều tra, mở rộng vụ án “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; tổ chức đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn; rửa tiền và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Phú Thọ và một số địa phương. Cơ quan điều tra đã khởi tố bắt tạm giam 88 bị can, trong đó có 2 cán bộ cấp tướng Công an; Đã khởi tố, điều tra làm rõ hành vi sai phạm của các đối tượng trong vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thái Sơn, Bộ Quốc phòng; đã bắt tạm giam để điều tra đối với đại tá Bùi Văn Tiệp, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 367, Quân chủng Phòng không - Không quân và đại tá Phùng Danh Thắm, tổng giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn. Ngoài ra, Ủy ban kiểm tra Trung ương đã tiến hành nhiều cuộc kiểm tra liên quan đến các cấp, các ngành và các địa phương có dấu hiệu sai pham; đã kết luận rõ ràng và đề nghị xử lý đúng người, đúng tội nhận được sự đồng thuận cao trong nhân dân, như vụ Phan Thị Mỹ Thanh – nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, bị cách hết các chức vụ về Đảng và cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội...
Kết quả xử lý các vụ việc trên đã khẳng định rõ quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong phòng, chống tham nhũng; củng cố niềm tin và tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cán bộ, đảng viên, được nhân dân hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao; tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội
Hiện nay công cuộc chống tham nhũng ở Việt Nam đang vào giai đoạn quyết liệt, tiếp tục điều tra, truy tố, xét xử các vụ án; xác minh, xử lý các vụ việc theo Kế hoạch năm 2018 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Những nỗ lực, quyết tâm cao của toàn Đảng và toàn dân ta trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng đang được khẳng định rõ bằng hiệu quả thiết thực, thể hiện sâu sắc nguyện vọng, ý chí của toàn dân tộc. Tuy nhiên, các đối tượng xấu, phản động coi đó là cơ hội để tăng cường các thủ đoạn xuyên tạc chống phá về tính đúng đắn, tích cực của cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Vì vậy, mỗi người dân Việt Nam phải hết sức cảnh giác, không để chúng lợi dụng, hay mắc mưu chúng, phải tuyệt đối tin tưởng vào quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị rằng: Công cuộc phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới sẽ tiếp tục có chuyển biến tích cực, hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và niềm mong đợi của Nhân dân.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét