ĐỜI ĐỜI NHỚ ƠN CÁC ANH HÙNG LIỆT SĨ!
Đảng, Nhà nước và nhân dân ta
đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ, thương binh, người có công với nước đã xả
thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Suốt mấy nghìn năm dựng nước
và giữ nước, dân tộc Việt Nam liên tục phải chống chọi với nhiều kẻ thù xâm
lược hùng mạnh và tàn ác. Hơn một nghìn năm chống kẻ thù phương Bắc, hơn một
trăm năm chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tiếp đó là hàng chục năm chiến đấu
bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc. Có thể nói rằng lịch sử của dân
tộc ta là lịch sử được viết bằng máu và nước mắt của những người yêu nước, yêu
độc lập tự do, quyết không cam chịu thân phận làm nô lệ!
Viết tiếp những trang sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc sáng ngời những chiến
thắng Bạch Đằng, Chi Lăng, Xương Giang, Đống Đa… khiến quân xâm lược phương Bắc
phải khiếp sợ, trong thời đại Hồ Chí Minh, nhân dân ta đoàn kết một lòng dưới
sự lãnh đạo của Đảng đã vượt qua muôn vàn thử thách, giành được những thắng
lợi vĩ đại. Đó là thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, lập
nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên của độc lập, tự
do. Đó là thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc
xâm lược mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu,
chấn động địa cầu; Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn
miền Nam, thống nhất đất nước. Đó là thắng lợi của các cuộc chiến đấu
bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, gìn giữ toàn vẹn non sông.
Để có được những thắng lợi ấy, nhân dân ta với lòng yêu nước nồng nàn, với ý
chí kiên cường bất khuất, đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, cống
hiến to lớn về sức người, sức của, không tiếc máu xương và sinh mạng của
mình.
Theo thống kê do Bộ Lao động
– Thương binh và Xã hội công bố gần đây, cả nước đã xác định được 8.841.199
người có công, chiếm khoảng 10% dân số, trong đó có 1.146.250 liệt sĩ, 781.021
thương binh, người hưởng chính sách như thương binh và thương binh loại B, gần
185.000 bệnh binh, 109.468 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày,
1.898.000 người có công giúp đỡ cách mạng, 4.146.796 người hoạt động kháng
chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, 236.137 người
hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ bị nhiễm chất
độc hóa học…
Nếu ai không nhớ nổi những
con số nêu trên, xin hãy một lần đến các nghĩa trang liệt sĩ ở khắp nơi trên
khắp đất nước ta, trong đó có những nghĩa trang rộng mênh mông với hàng vạn
ngôi mộ liệt sĩ như Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang liệt
sĩ Quốc gia Đường 9… Ở những nơi này, ai cũng có thể cảm nhận được sự khốc liệt
của chiến tranh, sự mất mát, đau thương vô hạn của nhân dân và những hy sinh
lớn lao mà các thế hệ cha anh đã hiến dâng cho Tổ quốc. Vì độc lập, tự do,
thống nhất đất nước, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và làm nghĩa vụ quốc tế
cao cả, hàng triệu người trong đó phần lớn là thanh niên đã hiến dâng tuổi thanh
xuân và cả cuộc sống của mình, anh dũng hy sinh trên khắp các chiến trường và
trong khi làm nhiệm vụ, trong đó nhiều người đến nay vẫn chưa tìm được phần mộ
hoặc chưa xác định được danh tính, trên bia mộ chỉ vẻn vẹn dòng chữ “Liệt sĩ
không có tên”.
Trong hàng triệu gia đình
liệt sĩ, có những tấm gương đã trở thành biểu tượng của đức hy sinh, tiêu biểu
như Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ, quê ở xã Điện Thắng Trung, huyện Điện
Bàn, tỉnh Quảng Nam, người mẹ đã 12 lần tiễn người thân lên đường và không một
ai trở về bởi tất cả đều đã hy sinh! Nhiều người nước ngoài đã gọi mẹ Thứ là
“người phụ nữ vĩ đại’, khi được biết rằng mẹ có tới 9 người con, 2 người cháu
ngoại và 1 người con rể đã hy sinh cho cách mạng! Có người còn cho rằng trên
thế giới khó có thể tìm thấy người mẹ nào vì đất nước mà phải chịu nhiều lần
nỗi đau mất người thân như mẹ Thứ, và cũng khó có thể tìm thấy đất nước nào
kiên cường bất khuất như Việt Nam!
Ngay trong cuộc sống hoà bình hôm nay, vẫn tiếp tục có những người vì đất nước,
vì nhân dân mà mà phải hy sinh tính mạng hoặc phải chịu thương tật. Đó là những
chiến sĩ bộ đội hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, là những chiến
sĩ công an hy sinh trong khi truy bắt tội phạm nguy hiểm, là những kiểm ngư
viên bị thương do tàu Trung Quốc tấn công vào tàu kiểm ngư Việt Nam đang làm
nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển...
Đảng, Nhà nước và nhân dân ta
đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với
nước đã xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Kỷ
niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 là dịp để mỗi người Việt Nam cùng tưởng
nhớ, ghi sâu trong lòng sự biết ơn về những hy sinh lớn lao ấy, tiếp tục thực
hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, chung sức tham gia làm tốt hơn nữa công tác chăm
sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với nước./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét