NHÂN CÁCH NGƯỜI CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN
Mỗi khi một bậc tiền bối cách mạng ra đi là lòng tiếc thương lại trào lên trong cán bộ, đảng viên và nhân dân ta. Những hình ảnh, những kỷ niệm, những câu chuyện đẹp về những con người ấy lại râm ran.
Trong những ngày ngậm ngùi tiễn đưa nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, ngoài câu chuyện xung quanh những quyết định lớn của đồng chí trên cương vị trọng trách thì cán bộ và người dân hay nhắc đến hình ảnh cương trực, năng nổ của người lãnh đạo trong bộ quần áo giản dị. Gần gũi hơn là những chuyện “Bác Mười” với người dân, với thanh, thiếu niên; tính ham học hỏi, ham đọc sách và đồ vật giá trị nhất trong căn nhà của bác là những chiếc tủ đầy sách… Những hình ảnh, câu chuyện ấy phản ánh chân thực về nhân cách người cách mạng nên rất tự nhiên, ăn sâu vào lòng người.

Nhân cách của con người nói chung là tổng hòa nhiều phẩm chất đạo đức. Nói đơn giản, người có nhân cách là người tử tế. Nhân cách của người cán bộ, đảng viên chính là “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” như Chủ tịch Hồ Chí Minh-người sáng lập và rèn luyện Đảng ta đã khái quát. Gọn hơn, Người nói: “Dĩ công vi thượng”-đặt việc công lên trên hết.
Ôn nhớ, truyền lan những tấm gương của tiền nhân, những đồng chí lãnh đạo mẫu mực của Đảng, Nhà nước hay những hình ảnh, câu chuyện tốt đẹp trong xã hội đương thời, cán bộ, nhân dân ta đương nhiên không thể không tự soi vào chính mình, vào cuộc sống hiện tại. Những chuyện “tiếng lành đồn xa” đi liền với “tiếng dữ đồn xa” chẳng bao giờ thiếu và lắm lúc tiếng dữ át cả tiếng lành. Những vị xa cách người dân, ăn trên ngồi trốc, nói nhiều làm ít… Những vị lợi dụng chức quyền, tiêu xài tiền công lãng phí, bừa bãi, mưu lợi riêng, ăn chặn, ăn đút, ăn to, ăn nhỏ, tham nhũng… Những vị vun vén cho người nhà, người thân, cánh hẩu… Những vị “sáng cắp ô đi tối cắp về” yên phận thủ thường, thụ động chờ đợi, đùn đẩy trách nhiệm… Những vị dẻo mồm, ăn nói ba hoa, thông tin vô trách nhiệm, ngoảnh mặt trước cái sai, cái xấu… Trong mắt mọi người, họ đều thiếu nhân cách hoặc tệ hơn là mất nhân cách. Họ không tôn trọng, không tuân thủ kỷ cương, luật pháp, không tôn trọng mọi người và coi nhẹ danh dự bản thân. Sao có thể đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho những người xung quanh? Người cán bộ, đảng viên có nhân cách, có tấm lòng-không thể như thế! Trong xã hội và ngay trong tập thể gần gũi họ có biết bao con người trách nhiệm, trong sáng. Hãy coi đó là những tấm gương để noi theo.
Phải có lòng yêu thương để uốn nắn, đồng thời phải có thuốc đắng để ngăn ngừa, chữa trị những tật bệnh, những bạo bệnh phát tác nơi những người như vậy. Cùng với việc trọng dụng thường xuyên phương thuốc quý “tự phê bình và phê bình” Đảng và Nhà nước ta mỗi giai đoạn, mỗi hoàn cảnh đều đưa ra những quy định để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý những cán bộ, đảng viên, kể cả những người ở cương vị cao. Vì vậy, quyết định ban hành và thực hiện Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 8, khóa XII nhận được sự đồng tình ủng hộ của cán bộ, nhân dân ta. Càng thêm tự hào và tin tưởng vào sự kiên quyết, công minh khi Đảng ta có thêm một chỗ dựa để củng cố, phát huy tính tiên phong gương mẫu của Đảng và đội ngũ đảng viên, giữ gìn, vun đắp cho cái gốc nhân cách trong mỗi người vừa giữ vai trò lãnh đạo vừa là “công bộc của dân”.

Tin chắc rằng cán bộ, đảng viên tốt sẽ được động viên, cổ vũ, và cũng tin rằng ngay những người đã từng mắc khuyết điểm và sai lầm nhưng vẫn còn lương tâm, vẫn sẽ có cơ hội để sửa mình, hòa nhịp cùng đội ngũ. Những tấm gương sẽ soi sáng, giục gọi những tấm gương.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét