KHÔNG CHẤP NHẬN ĐA NGUYÊN CHÍNH TRỊ, ĐA ĐẢNG ĐỐI LẬP Ở VIỆT NAM

Bấy lâu nay các thế lực thù địch với Việt Nam vẫn rêu rao tư tưởng "đa nguyên chính trị", "đa đảng đối lập", hòng truyền bá và kích động tư tưởng dân chủ vô chính phủ, loại bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng nước ta. Tuy nhiên, chúng ta đã nhiều lần khẳng định không chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập với những lý do dưới đây:
1. Đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập không phải là chế độ chính trị của chế độ xã hội chủ nghĩa. Đa nguyên chính trị là một khuynh hướng xã hội học - triết học, tuyệt đối hóa sự đa dạng đối kháng của các nhóm, đảng phái, tổ chức chính trị khác nhau trong xã hội. Nó xuất hiện vào đầu thế kỷ XVIII, khi giai cấp tư sản còn là giai cấp tiến bộ trong đấu tranh chống độc quyền, bảo vệ sự đa dạng và bình đẳng của các nhóm xã hội có lợi ích khác nhau, phát triển quyền tự do dân chủ tư sản.
Khi các tổ chức độc quyền xuất hiện, đa nguyên chính trị mất dần ý nghĩa ban đầu, trở thành thủ đoạn để điều chỉnh lợi ích trên nguyên tắc cạnh tranh giữa các nhóm, tổ chức độc quyền có lực lượng ngang bằng nhau và là bình phong “dân chủ” che đậy sự bất công, bất bình đẳng trong xã hội tư bản.
Khi chủ nghĩa xã hội xuất hiện, đa nguyên chính trị trở thành công cụ tư tưởng để giai cấp tư sản chống các nhà nước xã hội chủ nghĩa, phong trào công nhân và các trào lưu tiến bộ trên thế giới bằng việc đòi mở rộng quyền tự do dân chủ vô chính phủ, chống nguyên tắc tập trung dân chủ, đòi thực hiện chế độ đa đảng, nhằm vô hiệu hóa và từng bước đẩy Đảng Cộng sản khỏi vị trí lãnh đạo xã hội, đòi xây dựng nhà nước pháp quyền tư sản - bề ngoài đại diện cho lợi ích của tất cả các nhóm, đảng phái đối lập, nhưng thực chất đại diện cho lợi ích của giai cấp tư sản. Như vậy, đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập tất yếu không phải là mô hình chính trị của chế độ xã hội chủ nghĩa.
2. Đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập không bảo đảm được dân chủ đích thực. Bản chất của dân chủ là quyền lực thuộc về nhân dân. Muốn thực hiện được nó thì trước tiên người lao động phải xây dựng nên một chính đảng cùng một chính phủ duy nhất đại diện cho quyền lực của mình. Với một chế độ xã hội, thì hoặc quyền lực thuộc về giai cấp bóc lột hoặc thuộc về giai cấp bị bóc lột mà thôi. Không có thứ quyền lực hay dân chủ cho mọi giai cấp. Bản chất của đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập trong xã hội tư bản chỉ nhằm một mục tiêu duy nhất là bảo đảm quyền lực cho giai cấp tư sản bóc lột. Trả lời phỏng vấn và kết luận mới nhất của đoàn khảo sát Hoa Kỳ (6-2009) của các nhà khoa học Việt Nam cho thấy rõ điều này: Giáo sư Paul Mishler (Trường Đại học bang Indiana) khẳng định: “Mọi đói nghèo, thất nghiệp, thất học… đều do lỗi của hệ thống, lỗi từ chủ nghĩa tư bản Mỹ gây ra”; “Nước Mỹ tự xưng là đa đảng nhưng thực chất chỉ là một đảng, đó là đảng của chủ nghĩa tư bản, dù là đảng Cộng hòa hay Dân chủ”… Với lý do đó, đa nguyên, đa đảng không bao giờ tiến tới một nền dân chủ đích thực.
3. Lịch sử cách mạng Việt Nam thời kháng chiến chống thực dân, đế quốc đã xuất hiện và phủ định đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập như một tất yếu tự nhiên. Năm 1945, Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo toàn dân tộc đứng lên khởi nghĩa, giành chính quyền, thiết lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đặt quyền lợi của quốc gia, dân tộc lên trên hết nên trong những ngày đầu gìn giữ chính quyền và nền độc lập dân tộc, Đảng ta đã tự tuyên bố giải tán và Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã mở rộng thành phần cho mọi tổ chức, chính đảng cùng tham gia lãnh đạo đất nước.
Song, trong quá trình cách mạng, các tổ chức đảng phái hoặc phản động, hoặc có đường lối không đúng đắn, không vì quyền lợi của quốc gia, dân tộc đã lần lượt bị chính nhân dân loại bỏ, chỉ còn lại duy nhất Đảng Cộng sản Đông Dương do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo có đường lối cách mạng đúng đắn, vì quyền lợi của toàn thể nhân dân lao động, vì nền độc lập và sự phát triển của đất nước đã được nhân dân lựa chọn là chính đảng duy nhất đại diện cho quyền lợi của mình.
Sau 1954, Đảng ta cũng chủ trương tổng tuyển cử tự do, thành lập chính phủ liên hiệp, thống nhất nước nhà, nhưng chính chính quyền Ngô Đình Diệm đã bác bỏ và phủ nhận thể chế đa nguyên đó. Mặt khác, được sự tiếp sức của đế quốc Mỹ, các thế lực phong kiến và phản động ở miền Nam cũng đã từng lập nên một chính thể đa nguyên với sự tham gia của nhiều đảng phái. Nhưng mục đích chính trị của các đảng phái đó lại chống lại nền độc lập dân tộc và quyền lợi của nhân dân lao động, nên nhân dân cả nước ta đã đứng lên lật đổ thể chế chính trị đó, thiết lập nên nền chính trị nhất nguyên và lựa chọn Đảng Cộng sản Việt Nam là người đại diện duy nhất cho quyền lợi của nhân dân lao động và cả dân tộc. Tính tất yếu của quá trình lịch sử tự nhiên đó đã và đang được nhân dân ta khẳng định trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam - một chính đảng duy nhất lãnh đạo cách mạng Việt Nam đã và đang không ngừng xây dựng và phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân trên thực tế trong nền chính trị nhất nguyên. Nền chính trị nhất nguyên ở nước ta là do nhân dân ta lựa chọn từ chính những trải nghiệm trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp cách mạng ở nước ta đã đem lại những quyền cơ bản nhất cho quốc gia, dân tộc và toàn thể nhân dân lao động. Đó là độc lập, tự do cho dân tộc; là quyền tự quyết dân tộc, quyền bình đẳng với mọi quốc gia khác trong việc lựa chọn con đường phát triển đi lên của mình; là quyền tự do lập hiến và lập pháp, lựa chọn và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân; là quyền bình đẳng giữa các dân tộc, giữa các thành phần kinh tế; quyền tự do làm giàu theo pháp luật, phát huy dân chủ gắn liền với giữ vững kỷ cương xã hội; là sự phát triển trong đa dạng các sắc màu văn hóa dân tộc; là sự tiến bộ trong giáo dục, văn hóa, xã hội, khoa học và công nghệ nhằm mục tiêu vì sự tiến bộ và phát triển toàn diện con người… Những thành tựu không thể phủ nhận của nền chính trị nhất nguyên đó đã khẳng định và ngày càng củng cố vững chắc hơn vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
5. Dư luận quốc tế, chính phủ và nhân dân các nước dân chủ, tiến bộ trên thế giới đánh giá cao, ủng hộ Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ nhất nguyên ở Việt Nam. Trước những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, dư luận quốc tế, chính phủ nhiều nước, các tổ chức quốc tế và nhân dân thế giới đã bày tỏ sự khâm phục và ủng hộ chế độ chính trị ở Việt Nam. Nhiều đoàn đại biểu quốc tế sang Việt Nam nghiên cứu và học tập kinh nghiệm về xây dựng sự ổn định chính trị xã hội. Nhân chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, ngày 17-6-2007, tờ The Straits Times đã viết: “Việt Nam là đất nước ổn định, người dân làm việc chăm chỉ và đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ. Với những yếu tố này cộng lại, Việt Nam là mỏ vàng cho các nhà đầu tư Mỹ nào biết nắm bắt cơ hội”.
Dưới con mắt của Tiến sĩ Sổm Phắt Mana Rangsam (Thái Lan), 2 trong 4 thế mạnh của Việt Nam so với Thái Lan là các nhà lãnh đạo Chính phủ Việt Nam hiện nay là những nhân vật năng động, có khả năng điều hành kinh tế. Việt Nam có chế độ chính trị ổn định và nhất quán trong chiến lược phát triển kinh tế, Việt kiều đã có ý thức hướng về quê hương.
Còn cựu chiến binh Mỹ Thomas A.Hutchings - người đã từng tham chiến ở Việt Nam đã viết: “Việt Nam đang thay đổi và có một lịch sử đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước thật hào hùng. Bất cứ nỗ lực bên ngoài nào để áp đặt “những giá trị dân chủ kiểu Mỹ” và kêu gọi chấp nhận thể chế đa nguyên, đa đảng cho Việt Nam thì Việt Nam phải kiên quyết từ chối và bác bỏ”…
Còn nhiều lý do khác để khẳng định sự bác bỏ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập ở Việt Nam là có cơ sở lý luận và thực tiễn đúng đắn. Để củng cố quyết tâm chính trị này, cán bộ, chiến sĩ LLVT và nhân dân ta cần tiếp tục trau dồi đạo đức cách mạng, nâng cao ý thức chính trị, đề cao tinh thần cảnh giác và kiên quyết đấu tranh chống những quan điểm và tư tưởng thù địch sai trái, giữ vững ổn định chính trị ở nước ta.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét